Thứ Bảy, 12 tháng 5, 2012

GIÓ ĐƯA NGỒNG CẢI VỀ TRỜI



gió đưa ngồng cải về trời,
bỏ ta đau đáu... một đời; lá răm!
tấm drap nhăn một vệt nằm,
tình chưa ấm cõi đã về vô vi.

gió đưa ngồng cải thiên di,
muộn phiền ủ kín bờ mi; lá rầu!
cau hôi bện với bã trầu,
kẽ buồn chưa tỏ đã nhàu phai phôi.

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2012

ĐỐI KHÁNG



có thể người kia đã gục
ai biết rằng tôi đã say?
có thể đêm kia trăng ruỗng mục
ai biết rằng đêm nay vẫn dày?

có thể ngoài kia em đã khóc
ai biết rằng tôi cũng ngập lòng?
có thể ngày mai tôi sẽ chết
ai biết ai còn mãi nhớ mong?

có thể ngày mai em sẽ chết
ai biết trong tôi vỡ nát lòng?

có thể ngày mai ngồi soi bóng
ta thấy trong ta ngày có - không!

anh không muốn tình ta là một khúc phim buồn



lạy trời bỏ nắng sang sông




lạy trời bỏ nắng sang sông
lạy người yêu hãy lấy chồng đi thôi
đêm nay ta đã chết rồi
lệ rơi vào rượu cau hôi miếng trầu

lạy em cởi vạt tình đầu
thả đôi ngón mộng; áo sầu... gió bay
thả niềm nỗi cuối chân ngày
trả về em một nụ ngày nắng lên

lạy em nhớ ít nhiều quên(*)
...

(*) thơ; Võ Thị Phương Thuý

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2012

THÁNG TƯ GỌI TỰ DO VỀ

những tiếng vỡ tan hoang từ gỗ mục
quê hương oằn mình khóc từng tiếng nỉ non
sau những oai thiêng của ngàn năm sông núi
từng phận người lên tột đỉnh chon von

hùng oai đấy; rồi sống nằm cũng đấy
ấp ủ oai linh là trùng điệp tủi hờn

ba mươi bảy năm phơi nắng dại mưa khôn
trơn lẫy chảy trong tim có còn nguyên màu máu?

cờ đỏ sao vàng bay trên đọt pháo
trong những nhà lao bao kẻ bỏ quên mình
đổi lấy tự do bằng những đấng hy sinh
xương phơi trắng đồng, hồn quyện vào sông núi
đổi một tháng tư đen thổi tung ngày tăm tối
bằng một bình minh rạng rỡ một giống nòi

và chúng ta; một trong những con người
còn biết khóc cho hồn thiêng sông núi
còn biết đau trong những ngày tăm tối
còn biết buồn trên mắt mẹ năm xưa

hãy bật lên những tiếng gọi oai thiêng
hồn sông núi sẽ trở về sông núi
và hồn ta là những khúc khải huyền.

30.04.12

Thứ Sáu, 13 tháng 4, 2012

NGỘ

Lầu xưa khép một đóa Quỳnh

Ta tung tẩy bước đăng trình vừa qua

Giật mình bấu giọt cà sa

Ta về...

Mô Phật...

gọi là... bình yên!

THỜI GIAN

Thời gian neo một xót xa
còng lưng con bão đã qua nửa đời

Thời gian neo lại bóng người
xa vời vợi nhớ, gần bời bợi đau

thời gian neo lại vết sầu
nén đau thảng thốt gọi nhau một lần

Thời gian neo vết lửa trần
cháy xanh cùng kiệt để mầm phôi thai

Thời gian neo vết khôi hài
từ xa hun hút gọi hoài niệm lên

Thời gian vấp víu tay mềm
níu, buông, nắm, với... một miền phù dung

Thời gian loang bụi mịt mùng
phũ phàng vùi trí nhớ cùng tháng năm

Thời gian êm lót vạt nằm
nghe chênh chao mỗi thăng trầm đã qua

Thời gian trước mắt mù xa
con sông rẽ nhánh bao la sóng vờn

thời gian tím ngắt linh hồn
bàn tay cô quạnh níu khôn được mùa

Thời gian trắng tựa giọt mưa
rõ bao nhiêu giọt bằng thừa bấy nhiêu

Níu gì nữa một tiếng yêu
thời gian neo một con diều không dây

Thời gian trầy trật níu ngày
tư ghì một nỗi đã đầy vô vi...

Thứ Sáu, 24 tháng 2, 2012

TRỊNH SƠN & NHỮNG CÁI " NHỎM DẬY" ĐầY SUY TƯ. CON NGƯỜI, TA, LÀM ĐƯỢC GÌ. TỰ DO VÀ TÙ NGỤC...

CÁCH MẠNG VÀ “NHỮNG DI CẢO TỐI” CỦA VŨ ANH VŨ

Tùy luận của TRỊNH SƠN



Sống, có đôi khi là nhỏm dậy đi tìm một niềm an ủi tâm hồn sau quá nhiều biến cố làm đớn đau mê tơi thể xác. Con đường bề bộn chân người chân ta chan chứa lên nhau nỗi thống khoái lẫn thống khổ chạy mãi miết tới tận cùng tuyệt vọng. Cái nhỏm dậy của con nhái bén bị thương tật trước hàm rắn độc. Quyền lực của kẻ thù không làm nó sợ hãi nữa. Chính nó đang giương nỗi bi lụy lên làm khiên đỡ và nếu đủ kiên trì, sẽ thâu tóm từng chút một sự tàn ác đang xuống dốc sau khi đã lên đến cực điểm. Cái nhỏm dậy của ánh đom đóm trong màn tối mịt mù. Một ánh lóe lên mang theo sức mạnh ngàn cân của vũ trụ ánh sáng rồi vụt tan hòa vào thinh không vô giác. Bóng đêm ôm lấy bầy đom đóm lập lòe như Chúa trời đã từng ôm lấy nắm cát bụi nhào nặn và ném vung vãi ra bốn bề tư tưởng kiến tạo thế giới nguyên thủy. Nước và lửa. Núi cao hùng vĩ và đại đương sâu thẳm. Đàn ông và đàn bà. Thiện và ác. Như Lai và ác quỷ. Niết bàn đầy gió và sợi tơ nhện mỏng manh. Tôi và ngoài tôi vô lượng hải hà. Cái nhỏm dậy là nung nấu của tinh túy hạt mầm sau lâu lắc quặn thắt tự rửa nát để trở mình bung chồi biếc đầu tiên. Ngắn ngủi sung sướng khởi tạo một sinh thể sống động: sinh sôi nảy nở rồi tàn tạ rụng rời. Một chiếc lá vàng có thể nào biết mình đã làm xong bổn phận trên dòng chảy vô biên nhựa sống và ngoan ngoãn đầu hàng một cơn gió thè lưỡi cứa vào cuống già nua? Cái nhỏm dậy hất tung niềm cô đơn gánh nặng hai vai để hồ hởi ca hát nhận lấy niềm cô đơn mỹ mãn hơn, đầy đặn hơn, trĩu cánh hơn gấp bội lần. Niềm cô đơn của một đám mây tách khỏi bầy đàn khi chạm kỳ sinh nở. Niềm cô đơn của một giọt mưa nhận ra mình vừa rời bụng mẹ. Niềm cô đơn của mặt đất trong khoảnh khắc từ bỏ tĩnh lặng để đón nhận cơn rúng động trút xuống từ trời. Niềm cô đơn kéo dài qua nhiều năm nhiều tháng bằng vận tốc ánh sáng lúc mới chập chững rời mặt trời và bắt đầu chạy nhảy vô phương hướng vào bao la thiên hà, từ Big-bang trước đến Big-bang sau, từ Big-bang lớn tới Big-bang nhỏ, từ Hoàng tử bé tới bạo chúa tột ác. Cuộc lột xác của cái nhỏm dậy thực thi nhiệm vụ nới rộng biên độ hy vọng và tưởng tượng. Căm phẫn nuôi nấng những giấc mơ. Tranh đấu lại luôn luôn rình rập tìm mọi cơ hội để giết chết những giấc mơ ấy. Loài người từ nguyên thủy đến nay chỉ sở hữu một trong hai hình thức hoặc căm phẫn hoặc tranh đấu chứ chưa bao giờ vẹn toàn cầm nắm cuộc đời mình bằng cả hai bàn tay trong sạch và thanh thản này. Những nhà cách mạng mà người ta tốn rất nhiều công sức để ngợi ca rốt cuộc chỉ là sự thay thế bắt buộc phải xảy ra, chưa kể đến sự tráo trở thường xuyên được khoác áo kiều diễm sặc sỡ dệt bằng máu đồng loại. Một nhà cách mạng chân chính không có đồng loại. Một đồng loại đúng nghĩa không biến dị nên một nhà cách mạng.

Một nhà dân chủ và một kẻ cầm quyền độc tài đều không thể tự làm một cuộc cách mạng cho chính mình. Những cái nhỏm dậy giả tạo bằng lò xo của lý thuyết và vũ khí, mưu mẹo và hành động. Chỉ có giá trị trên sân khấu với khán giả của đói nghèo cùng khổ và niềm tin tạm bợ tạo ra. Lịch sử thế giới từ trung cổ đến nay, người kéo màn luôn luôn giấu mặt và mọi vở kịch chúng ta trải qua đều xướng lên từ miệng lưỡi của những gã hề. Với một gã hề, khái niệm vô lại dường như quá xa xỉ với đồng lương hắn nhận được sau mỗi trò diễn.

Vậy thì, thế giới đã thực sự có bất kỳ một nền dân chủ hay một nền độc tài chưa? Một người đứng giữa mênh mang đất đai đường xá và tiếng gầm rú có thể nào nhận biết mình đang ở trong bụng một con mãng xà hay ở trong bụng một con rồng? Hai cái bụng có khác nhau ở phạm vi, mùi vị, không khí hít thở, độ giãn nở tự do nhưng đều là bụng của một quái vật tưởng tượng. Đều là nhà tù. Đi từ nhà tù này sang nhà tù khác, bước từ phòng giam này sang phòng giam khác, chui từ cái cùm này sang cái còng khác. Nếu quy chế dân chủ trắng muốt mượt như bộ lông chim bồ câu của Zarathustra thì quy chế phát-xít độc tài đen ngòm lạnh và nóng bao tử con sư tử mồ côi của Nietzsche. Hòa bình giả hiệu muốn san bằng hai khái niệm bộ lông trắng muốt mượt và cái bao tử đen ngòm nóng lạnh. Loài người xếp hàng bắc cầu, tất nhiên, chẳng ai có thể từ bờ này qua bờ kia được vì chỉ cần một mảy may rời khỏi vị trí, tất cả sẽ sụp đổ ngay tức khắc. Nhà cách mạng là đầu cầu, sau lưng ông ta là nhân dân nối đuôi ảo tưởng đã chạm miền hạnh phúc dù rằng họ đang đánh đu trên vực thẳm khôn cùng.

Cái nhỏm dậy của Napoleon Bonapartre có bạo liệt hơn một nhịp vỗ của cánh bướm mỏng manh giữa đại ngàn Amazon? Cái nhỏm dậy của Tần Thủy Hoàng cộng với cái nhỏm dậy của Kinh Kha cộng với hùng vĩ kỳ quan Vạn Lý Trường Thành có sức nặng bao nhiêu so với một tiếng gốm vỡ giữa Bắc Kinh trước/trong/sau cuộc Đại cách mạng văn hóa dư dả máu và nước mắt? Cái nhỏm dậy của Jean Paul Sartre giữa lòng Mỹ quốc và lan rộng khắp thế giới hiện sinh chắc gì đã gây buồn nôn hơn vết quần jean xé ngang xé dọc của một nữ sinh Á Đông nghiện hip-hop? Cái nhỏm dậy của giày vải Quang Trung bị chôn sống dưới bàn tay bạo tàn ma mãnh Nguyễn Ánh có thật đã chết cùng chế độ rồng phụng kéo dài quá lâu ở Việt Nam? Căm phẫn nên tranh đấu. Tranh đấu lại càng căm phẫn. Như Lai không dạy người ta căm phẫn cũng chẳng khuyên người ta tranh đấu. Đạo là cái nhỏm dậy của một tâm hồn không bao giờ nguôi ngoai cuộc tìm kiếm chính mình. Đạo bị rao giảng và Đạo bị ngợi ca. Máu của Jesu Christ và máu của tiền kiếp Như Lai và máu của bất cứ vật sống nào đáng lẽ phải được xem như một kỷ niệm thì người ta cố tình diễn thuyết chúng thành giáo điều để biến xã hội thành nhà tù, biến cơ thể mình thành phòng giam, biến lời nói thành băng keo dán kín miệng, biến tay chân thành gông cùm và tâm hồn ngày càng teo tóp đi dần đến cực điểm của ý thức: tính người. Một đứa bé được dạy ngay rằng phải đi thế này phải đứng thế kia, phải nghĩ thế này phải làm thế nọ, phải hôm nay mô tê phải ngày mai răng rứa, phải đủ thứ phải trên đời - để làm người. Chúng ta cai trị chính chúng ta - độc tài và dân chủ, để rồi chúng ta lại cố công đi tìm dân chủ hoặc giải phóng khỏi độc tài - tự do thật sự đã bao giờ cất lên tiếng nói của riêng nó? Có cất lên, tức thì nó chết ngủm củ tỏi trong quan tài của Kitô, trong quan tài của Khổng Khâu, trong quan tài của nhà cách mạng, trong quan tài của nhà lập pháp, trong quan tài của vân vân và trong quan tài của chính nó. Tự do là gì? Chúng ta chưa bao giờ thật sự nghĩ rằng Tự do không hề là một khái niệm – có định nghĩa và quy luật - Tự do mang lại Ý nghĩa khi chính nó vô nghĩa nếu không có sự áp bức, cai trị và cầm tù. Không thể có tự do nếu đang không mất tự do. Không thể cử động nếu không đang bất động. Mọi thứ chúng ta có được khi chúng ta đang không có gì cả. Ý nghĩa của sự sống nằm trong khuôn viên chật chội mà cái chết chuẩn bị sẵn cho mỗi người. Aristos rồi Platon, Nietzsche rồi Goethe, Krishnamurti rồi Phạm Công Thiện, Dostoievski rồi Shakespeare, Henry Miller rồi Honore de Balzac, Triệu Châu rồi Nguyễn Du, Quán Thế Âm Bồ tát rồi Kiều, Tân ước Bát nhã ba la mật rồi hiến pháp luật pháp, rồi rồi rồi… Giải phóng chính là một cuộc tìm kiếm và chấp nhận một hình thức giam cầm khác với hình thức giam cầm đang diễn ra. Hòa bình chính là cuộc chiến tranh dai dẳng nhất mà mọi kẻ thù đều mỉm cười với ta và với nhau trong hiệp thương lẩn quẩn.

Một cuộc cách mạng cần diễn giải bằng lời, bằng máu và bằng bất cứ thứ gì nó có thể với tới. Một diễn giả phải chấp nhận cô đơn như là phần thưởng đầu tiên mà anh ta đứng trên bục, trước micro, đối diện chục trăm ngàn triệu con người. Trước đó, anh ta đã cô đơn trong quá trình khổ luyện tập nói, tập diễn đạt tay chân giọng điệu, trước gương trong nhiều ngày tháng ròng rã chỉ có bốn bức tường và tấm gương lạnh lẽo. Sau đó, anh ta lại tiếp tục cô đơn với thành công/thất bại mà vấn đề anh ta đặt ra cho khán thính giả đã thực sự trôi đi, mất đi, không còn là của anh ta nữa. Sự hy sinh cao cả của Jesu không phải ở trên cây thập tự núi Sọ, sự từ bi vĩ đại của Thích Ca không phải ở dưới gốc bồ đề chứng ngộ, sự độc ác dã man của Adolf Hitler không phải ở những phòng hơi ngạt hay hố chôn tập thể, sự lãng mạn của Alfred de Musset không phải ở những trang thơ ngợi ca ái tình đan cài vào nhau như những viên gạch dát hè phố Paris… Tất thảy sự kiện đỉnh điểm được tụng ca vinh quang là cái chết của vĩ nhân. Theo cách đó, một nhà cách mạng tìm thấy cái chết của hắn khi lý tưởng, học thuyết mà hắn miệt mài cả đời tìm được chỗ đứng trong lòng dân chúng. Đáng lẽ, Lênin là một nhà văn thay cho Lỗ Tấn, Che Guevara là một cung thủ bách phát bách trúng thay cho anh hùng xạ điêu của Kim Dung, Ngô Đình Diệm là một nhà tu thay cho Thích Nhất Hạnh, Xuân Diệu là một anh thợ in trong nhà xuất bản Giấy Vụn, … Họ đều đã đóng vai diễn giả trên sân khấu của một chế độ quy ước để phát ngôn những thông điệp về hòa bình, thịnh vượng, tự do, lãng mạn. Trong khi, dân ngu cu đen thì đang thiếu và lúc nào cũng thiếu 3 điều là ham muốn, khoái lạc và giận dữ thì họ lại không có, ngược lại họ muốn chiếm lấy 3 điều thiếu thốn ấy vì chính họ cũng chưa từng cảm nhận được nó như thế nào. Kinh nghiệm từ lịch sử hiện đại cho thấy, một nhà cách mạng hoặc đại loại như thế, là một động vật có thể dùng chân thay tay, mắt thay mũi, đầu gối thay trái tim, tất tần tật có thể thay thế để xâm chiếm cộng đồng và ngay sau đó, hắn lại tìm mọi cách để thiết lập lại trật tự cũ. Hai lần nhỏm dậy của hắn như hai lần chúng ta nhấn cùng một nút ON/OFF trên một cỗ máy. Sống, lúc ấy, là nằm im hơi chờ rửa nát mà không mảy may mong muốn phục sinh.

Sống, lúc ấy, là một câu thơ không hề ý thức mình đang lạc loài giữa bầy thơ; là một nét vẽ không hề nghĩ rằng mình đang chìm đắm giữa bộn bề màu sắc; là một vết chim bay không hề nhớ mình đang chao lượn giữa muôn trùng chân trời góc bể; là một khuôn mặt không hề nhận ra mình sau tuốt tuồn tuột nhàu nát sau tấm gương đời chưa phẳng lặng bao giờ…

Con người sáng tạo sinh ra trong từng cái một ấy. Thi sĩ, họa sĩ, nhạc sĩ,… nhận về mình điều mình từng có chứ không phải ôm đồm gom góp những điều lạ lẫm chưa từng biết. Hắn sáng tạo ra chính hắn. Hắn thấy con người hắn mới mẽ, lạ lùng trong tác phẩm của hắn. Hắn biết tâm hồn hắn đang bi hài ra làm sao giữa trăm ngàn cuồng nộ, biến cố mà hắn nguyện dấn bước vào chẳng thiết lối ra.

Hắn sáng tạo ra con người nghệ sĩ mang tên hắn.

Con người nghệ sĩ mang tên hắn, đồng thời, sáng tạo ra hắn.

Cuộc cách mạng vĩ đại nhất và vĩ cuồng nhất của một con người, là, sáng tạo chính bản thân mình. Tôi tìm thấy bốn bề cách mạng gió và gió và không ngừng gió trong NHỮNG DI CẢO TỐI của Vũ.



Bà Rịa, 17/02/2012

TRỊNH SƠN.

NGỘ

ta về tìm cõi bình yên

cửa thiền rợp bóng hoa duyên vĩnh hằng

ta về chôn nỗi băn khoăn

cởi phù hoa rủ bụi trần gió bay.

MANG EM VÀO MƠ

Anh đem em vào mơ để nhìn em cho thoả

để say sưa chếnh choáng với yêu đương

Anh đem em vào mơ để hôn em cho thoả

bởi ngày dài ta vẫn thấy bơ vơ!

ĐÔI ĐỜI

đời em là đoá hoa thơm

cây xanh trổ lá, vườn ươm trổ mầm

đời ta năm tháng lạnh căm

sướng, vui, khổ, hận... âm thầm qua đi

đời em là một chuyến đi

xe lăn mỏi bánh vẫn ghì nguyên sơ

đời ta là một câu thơ

đổi bao vần điệu vẫn trơ nỗi buồn


Ấy;
đời từ những ngày đơn

ghép trăm năm lại dài hơn một ngày

ủ buồn chén rượu đắng cay

tìm vui vào một bàn tay nắm hờ

chưa già đã cỗi niềm mơ

chân đi hoang hoải giữa bờ yêu đương


đời là một chuỗi vô lường

từ khi em đến giữa vườn thơ ta

mầm xanh rỏ giọt ngọc ngà

đất nâu hoá bụm phù sa nuôi đời

từ khi em đến lòng tôi

ngàn tia nắng rọi loá ngời lòng đau

bậm chân bấu sóng bạc đầu

kiểng chân với lấy trời sao một bầy


em về ru mắt anh say

thấy lòng mềm lạ từ ngày có em!

THÁNG MƯỜI TRÊN ĐỌT XANH MA

gặm hờn một tháng mười xưa

nghe như nông nỗi mới vừa hôm qua

đêm về trên đọt xanh ma

tàn đêm thắp đóm lửa ma trêu người


căng mê ném một trận cười

cung mình giữ một chút người trong ta

tàn đêm héo đọt xanh ma

hình như ta đã đi qua tháng mười


hình như ta đã rong chơi

bên nông nỗi

một phận người

riêng em

dằm đau cắm trổ con tim

lệ cay rớt ngụm rựơu

điên;

tháng mười!


đêm dày tuột trái tim rơi

rổn ra rổn rảng;

tháng mười xanh ma...

Thứ Bảy, 4 tháng 2, 2012

Mẹ..

Lắc nhẹ người vòng qua một bên; Cái Loan ôm ghì cổ má nó.
Mới ngày nào nó còn bé tí tẹo, nay nó đã là cô bé 18 phổng phao; làng trên xóm dưới ai cũng khen nó đẹp, nó dễ thương.
Ừ, mà nó dễ thương thiệt; Da nó trắng như trứng bóc, căng hồng, mịn màng mà ít đứa con gái thôn quê nào có được. Da nó không bắt nắng?! mặc dầu ngày nào sau khi tan học về nó đều phải ra đồng phụ tưới rau, nhổ cỏ với bà Bảy _ má nó.

Hôm nay trời mưa, ít việc. Nó tranh thủ ngồi tỉ tê với má nó mà phải vòng vo qua tám chục con đường, vài trăm con hẻm; Nó cất tiếng:

- Má biết hông; hồi nãy con vừa gặp ông Ba, Ổng hỏi thăm má đó. Ổng nói mai ổng ghé thăm má.

Ngồi tựa lưng trước cửa cho cái Loan nhổ tóc bạc bà Bảy mặt buồn so:

- Mày coi mau lớn đặng còn kiếm thằng nào nhà cửa khá giả mà lấy cho tao nhờ, chứ tao thấy lúc nào mày cũng cà rỡn suốt rồi mai mốt ế, hổng thằng nào chịu lấy.. Nuôi mày ăn học mười mấy năm trời rồi, liệu mà khôn ra... mày thấy đó, nhà cửa vầy rồi mùa mưa tới có ở nỗi không?

Nghe đến đây cái Loan dừng tay lại. nó không biết nói chuyện của nó sao nữa. Nó lỡ yêu Mạnh _ anh chàng vá xe trước cổng trường nó. Ngày nào tan học về nó cũng ghé chỗ anh ngồi tán dóc, hỏi han dăm chuyện rồi mới về...
...

Năm đó, nó thi rớt tốt nghiệp, Nó buồn, bà lại càng buồn hơn. Rồi tin nó có bầu với Mạnh lại càng làm bà đau lòng. Nó như con nước lũ cuốn trôi niềm tin, hy vọng, ước mơ danh dự và cả vườn rau mà bà chăm chút, bòn vén cho cả gia đình.
Bà bảo nó đi phá cái thai trong bụng đi nhưng nó không chịu; Cái thai là tình yêu của nó dành cho Mạnh; " Đứa bé nào có tội gì?!"_Nó nói trong nước mắt. Cố năn nỉ má chờ cho con nó chào đời nó sẽ lên thành phố làm kiếm tiền nuôi má, nuôi con... Bà Bảy đành chịu...

Năm sau, khi thằng nhỏ_con nó ra đời được bốn tháng thì có bà mai bà mối nào đó ở làng bên vào xì xầm to nhỏ gì đó với má nó sau này nó mới biết má nó đồng ý gả nó cho một ông gì đó ở Đài Loan về Việt Nam cưới vợ;_ "Gả con qua biển tha hồ hốt bạc..."

Ngày nó đi; Chia tay với mạnh, nó nói dối:

-" Em phải đi làm xa, một năm sau em về.. con em gửi má nuôi.. Anh ráng dành dụm tiền mua sữa cho con..."

Mà thực sự nó cũng định đi ít lâu kiếm đủ tiền rồi trốn về nước nuôi con...

Ai dè... Một năm... Hai năm... Ba năm... rồi bốn năm... chưa thấy đâu. Nhà bà Bảy má nó từ nhà tranh vách đất lên nhà tường rồi nhà lầu nhờ " tiền phụ cấp" hằng tháng nó gửi về nuôi con. Mạnh cũng đành bất lực nhìn đứa con trai ngày càng xa anh. Nhà cao quá, cổng rộng qúa; làm sao anh vào??!

Lại một năm nữa trôi qua mà chưa thấy nó đâu...

Rồi; Một tối cuối hạ, trăng vằng vặc treo lơ lững trên đầu. Một cái bóng trăng trắng, mờ mờ từ đầu hẻm bước vào, tựa cả thân người mềm oặt vào cánh cửa cổng lẫy chốt kín bưng.
Bà Bảy đang chơi đùa với cháu ngoại trước sân nhìn ra ngờ ngợ: _ Cái Loan?!

Nhìn không ra được nó, cái mặt méo xệch đầy những lằn roi và hai con mắt sưng vù, tím đen tím đỏ vì đánh đập, vì khóc, vì mất ngủ.?! Phải nheo mắt đến mấy lần bà mới nhận ra đứa con gái mình dứt ruột đẻ ra. Bây giờ; Nó già quá, xấu quá, nó không còn trắng trẻo dễ thương như ngày nào nữa...

Bà vội chạy ra mở cổng, ôm nó vào lòng, từng dòng; từng dòng nóng hổi trào ra trên bốn con mắt già nua đầy sẹo và vết chân chim...

Thằng bé con đang ngồi chơi trước sân phát hoảng ré lên khóc vì có người lạ vào nhà mà lại xấu xí mặt mũi in hằn lên những vết sẹo mọc chằn chịt trên hai gò má xương xương kéo dài tới tận cổ. Nó đâu biết rằng đó chính là mẹ nó; Người phụ nữ mới chớm tuổi hai tư, người mà năm năm trước đã sinh ra nó, chịu nhục để nuôi nó. Nó đâu biết rằng ở nơi đất lạ quê người kia một ngày có biết bao nhiêu gã đàn ông ra vào thân thể của mẹ nó để cho nó có ngày nay.

Cái Loan chỉ biết ôm mặt khóc. Nước mắt nó giàn giụa chảy trên đôi bàn tay gầy trơ xương của nó. Đồng tiền đã làm nó mất con, mất đi tuổi thanh xuân, mất đi tình yêu đầu đời đẹp như thơ trong veo như cổ tích của nó...

BR_06/07/2009

CÂY TÙNG CON


Chiều nay lại mưa; Như thường lệ, tôi và thằng con nuôi vừa tròn năm tuổi lại ra đứng trước cửa ngắm những hạt mưa đang rớt đầy trời.
Ba năm trước cũng trận mưa như thế này đã cướp đi người yêu thương nhất trong cuộc đời tôi_ mẹ cu Moon. Khi ấy; cu Moon mới hai tuổi, chân bước chưa vững đi phải có người lớn kề bên phòng khi vấp ngã.
Vì sinh thiếu tháng nên cu Moon yếu lắm; thường hay bệnh mà từ lúc chào đời nó đã không có cha_ Nó là hậu quả của sự lỡ lầm mà mẹ nó tạo nên...
Hai cha con tựa sát vào nhau nhìn ra đầu ngõ, nơi có cây tùng con đang run lẫy bẫy trước cơn mưa rào.
Ba năm trước, cây tùng này chỉ mới đội đất nhô lên; Bây giờ, quanh đi quẩn lại nó đã cao gần bằng mẹ nó_ cái cây tùng sấu số bị cơn bão mùa hè đốn ngã...
Cơn mưa ngớt. Một trận gió ùa vào làm những giọt nước trên cây trút xuống. Cu Moon lắc nhẹ tay tôi:

- Bố ơi! Cây tùng đang khóc kìa bố!

Tôi nhìn vào đôi mắt ngây thơ của nó:

- Làm sao con biết?!

- nó buồn, nó cô đơn, nó đang nhớ mẹ nó... Giá như mẹ nó còn đó thì chắc hẳn nó không phải lạnh như vầy phải không bố?!

Chợt tôi nghe lòng thắt lại. Những giọt nước mắt chực trào ra; Không chặn kịp; Một giọt nước mắt rơi xuống, nhỏ lên đỉnh đầu hói lọi vì bệnh của nó. Nó lại nhìn tôi khe khẽ:

- Bố buồn à? Bố đừng buồn nữa, Bố không cô đơn mà, Bố có con và con có bố, hai bố con mình ở bên nhau suốt đời mà phải không bố?

Giọng nó trong veo, ngây ngô làm cho những sợi dây thần kinh của tôi như tê dại đi. Đến đây, tôi không còn biết nói gì nữa; ngồi phịch xuống đưa tay ôm thằng nhỏ vào lòng mà tự nhủ:
"Con ơi! Bố sẽ cố gắng bù đắp lại những gì mà ông trời trớ trêu kia đã cướp đi của con; Bằng tất cả những gì có thể...
Bố hứa!!!"


Trịnh_ ngày mưa; 03/07/2009.

Thứ Bảy, 28 tháng 1, 2012

TÌNH BUỒN NHƯ LÁ..


( Nếu; một ngày không còn nhau nữa... Em biết đó; ta sẽ buồn như hôm nay ta đã buồn ... không em!)




tình chợt như thu
tình buồn như lá
lá lỡ xa cây lá có mong chờ?

ta...
ơ hờ..!

về đâu
về đâu
tình khô như lá
tình buồn như đá
đá lỡ rêu phong
đá lỡ rêu phong

(như không!
như không!)

thôi mong chờ
thôi hy vọng
lá chết trên cây
lá úa trong lòng

lá ơi,
lá rơi!
lá ơi...

tình trơ như đã...
tình khô như đã...
véo mòn thời gian!
ngày em yêu
ta
vội vàng
ngày ta yêu
em
nồng nàn

tình chết
không đợi chờ
người đi
ôm hững hờ
tình vội xa
ta nào ngờ
đôi bờ
lệ rơi!

người đi xa cuộc đời
còn ta xa loài người
trơ như đá xưa
phong buồn giấc mơ

ta...
ơ hờ..!

ta...
bây giờ..!

trơ như đá xưa
khô như lá khô
tình buồn như lá
chết giữa cội hoa
chết trong rừng già

tình buồn như lá
chết trên cành cao
chết trên cành cao
vọng thờ

em
bây giờ
ở phương nào
bão ré về cơn đau

ta
bây giờ
ở nơi này
bão ré về cơn say

tình chết cho một lần
ái ân như muôn trùng
tình chết sau nhiều lần
khổ đau như nghìn trùng
vì đâu?

ơ hờ...
ơ hờ...

tình khô như lá
chết giữa mùa xuân
chết giữa mùa xuân
thôi đau sầu
thôi âu sầu
buồn trơ những kiếp du ca hoang buồn
buồn trơ một kiếp yêu em điên cuồng

thế thôi!

đã tan rồi
giấc mơ đầu
còn riêng ta trong cơn đau
nếu mai sau
còn gặp nhau
nguyền xin như lá
chết giữa mùa thu
chết giữa mùa thu
ta thôi buồn!

Thứ Tư, 25 tháng 1, 2012

còn đây một phút...

thiên đường vỡ dưới chân ngày
còn đây một phút để trầy trật nhau
oằn mình cười cuộc bể dâu
gói trăm năm để gọi đau một lần
gió chướng điểm báo ngày xuân
mà như thu úa muôn lần về sau
tay nâng con sóng bạc đầu
cười trơ khổ hạnh dãi dầu thời gian
còn đây một phút hoang tàn
thì thôi đừng trút phũ phàng cho nhau
để còn trong một chút đau
để còn giữ lại cho nhau một gì...

đoản thơ

từ ngàn xưa Đức Chúa Trời đổ nỗi buồn xuống thế

ĐÀN BÀ!

Tôi;

từ bấy đến giờ...

TỰ TÌNH

cánh lá mỏng run trong làn gió mỏng
xuân hiền hoà ướp cọng khói lên xanh
bếp bập bùng; ngọn lửa, bánh chưng xanh
em
ngồi soi bóng...

ngực bung giòn phập phều trêu áo mỏng
tóc thơ dài buộc chỉ đỏ quấn quanh
sân vườn thơm ngào ngạt dưới mái gianh
ban nở trắng điểm xuyến màn dêm trắng

BỨC TRANH VỠ

anh cố vẽ ra bức tranh tươi sáng cho tình ta

cuối cùng

bức tranh ấy

màu sắc ấy

găm vào nhau loè loẹt

từng đốm màu

vỡ ra

vỡ ra

lem nhem trộn vào nhau thành từng vệt từng vệt đen đúa và nhàu nhĩ

sự nhàm chán bắt đầu cơn tuyệt vọng khổng lồ



tiếc giọt mồ hôi anh không vứt bỏ ngày khốn khó

hy vọng nuôi nhau từng mảng màu đem nhẻm như trời đêm gói những vì sao



từng vệt màu nhảy múa

hỗn loạn

giá vẽ tồng ngồng gánh vác giấc mơ tôi

không ngớt

hoang hoải con đường bước ra từ bóng tối

tôi đi

hy vọng rủ rê tôi trốn tìm

một cơn đùa quái di gieo mầm tư tưởng lai căng

ta

đã sống

rớt lại

hoang hoải ước mơ



ta đi

chân liêu xiêu bống đổ

vực thẳm chênh chao bao nhiêu lần ngã trơ đá cuội

máu và nước mắt pha màu cho anh vẽ con tim mình một ngày vắng bóng em



thời gian nhiễu giọt mồ hôi đông rét vô lường




trái tim

người hoạ sĩ vẽ lên bức mành thời đại

pha màu theo cơ số

trình bày trên photoshop

không tì vết

như tôi đã vẽ tình yêu bằng nước mắt

vết hoen của máu bầm lại lem nhem góc nhọn góc tù



em

tan biến

mục ruỗng

thiu thối

giá vẽ rơi

ta

chơi vơi

gánh gồng ngày thương em vô tận



ta vẽ cuộc đời mình

sáng

tối

những gam màu toát mồ hôi

và tôi

và em

và chúng ta

lệch xệch theo từng ngòi cọ loe đầu nhung nhớ

tan

bức voan màu quên lãng

lem nhem kí ức


thôi

không buồn em nữa

ta

chẳng cần đánh bóng đời mình cho những điều giả dối

không làm người ngay nữa

không làm người ngay nữa
đau chết ta mất thôi
người ngay mà bóng lệch
ta chỉ biết ngậm ngùi

không làm người ngay nữa
phỉ nhổ lên cuộc đời
cười trơ niềm khổ hạnh
bóng lệch dưới chân tôi

bóng lệch trong mắt người
ta làm thân cô lữ
liệm xác cánh hoa rơi
ta về với lòai người
chung một hình bóng lệch?

Thứ Bảy, 21 tháng 1, 2012

Khóc..






Em khóc gì tôi em ơi

Ngoài kia chểnh mảng phận người như nhau

Đời nào chẳng có niềm đau

Khóc tôi xin nhỏ lệ vào thiên thu*

Gói đời vào ngã vô ưu

Khuyết trăm năm tủi tù mù gọi nhau!



{(*): Đưa em tim động hoa vàng-Thơ Phạm Thiên Thư}

Gái Xuân Tự Sự

Xuân về lóc cóc chạm nhau
Buồn rơi một miếng ném vào cơn vui
Phía bên kia một cuộc cười
Là muôn dòng lệ đêm rơi theo ngày

Ngoài kia xanh đỏ chen vai
Xúng xa xúng xính áo ngoài áo trong
Em xin một nhúm mơ mòng
Có manh áo rách gói lòng vào xuân

Gió chướng ngang của tần ngần
Lay qua lắt lại cuốn xuân bay vèo
Giậu mùng tơi đổ một chiều
Hạt rơi theo hạt, xuân rơi theo ngày...

Cho Em Bé Mồ Côi




Em nằm dấu hỏi co tròn
Xuân về chưa nhỉ; hay còn đang đông?
Sao rơi trong mắt em trong
Co ro mười ngón tay phồng sáng nay
Gió chướng thổi lá vàng bay
Lá xanh ở lại nuôi ngày đa đoan
Gió chướng rủ bạn buồn sang
Hỏi em xem đã sẵn sàng chào xuân?
Ngác ngơ giữa chốn dương trần
- Em nào đâu biết Cái Xuân là gì?!
Đêm về gõ cửa từ bi
Trơ niềm cô lữ từ bi không về
Năm canh điểm cõi u mê
Em tìm thớt thịt gọi về giấc êm
Ngày mai mười ngón tay mềm
Bấu vào đâu với bậc thềm quá cao?

Đêm nay xuân trổ cành đào
Ta ngồi vinh hạnh nghẹn ngào khóc xuân..!

BUỒN




Buồn

ta nâng chén đời

nào;

ta mời

uống!

uống cho say

quên người

quên đời

ta

cười...



Mộng mị đổ lên đôi vai hoang đàng

đêm muỗi gáy trăng vàng vọt

ngả nghiêng lịch sử

ngàn năm Sông Hồng cuốn phù sa ngạt mùi Âu Lạc

trống đồng rơi thổn thảng phận người



Lê la vùi đời vào ổ điếm tâm hồn

nhận ra mình loã thể

lăng loàn với những cơn mơ



Ta khóc

trên vai gầy em nhầy nhụa

là ánh sáng

là bóng tối

là đau thương

là hoang đàng

là tù ngục

là cô độc

là êm đềm

là giông bão

là nỗi đau

hay hạnh phúc

hay chỉ là hoàng hôn rúc mình vào đêm chờ bình minh xé bọc



Đợi chờ

đến bao giờ tình yêu căng mịn màng tròn ngực ấm bao dung!

Thứ Tư, 4 tháng 1, 2012

XUÂN HOANG HỢP

Hoa em đương độ xuân thì

Mỏng manh cánh trắng nhu mì một đêm

Ta làm cánh bướm trường niên

Hé môi hút nhụy bên triền yêu đương

Em run một cánh vô lường

Ta run rẫy trước một vườn thanh tân

Vườn xuân ngát một đóa trần

Hoa phiêu phiêu gió, bướm lâng lâng hồn

ĐỔI THAY

Phố
tôi ơi giảng đường những ngày đói chia nhau phần cơm bụi
(một thằng ăn cả bọn được nhờ)
đô thị phủ bụi mờ kí ức
chẳng đứa nào lấy khẩu trang che mặt
nghèn nghẹn bụi găm vào lồng ngực
thương nhau ngày ấy; bây giờ...

Phố
tềnh toàn vệt rác vướng tóc nhau
thằng hớt hơ hớt hải
thằng sụt sùi đỏ mắt
thằng lặng đi không lời

chúng ta đã cười đã mếu đã rêu rao phần cơm một chia mười
(canh cũng thêm, cơm cũng thêm, nước mắm cũng thêm...)
chỉ riêng tình mòn vẹt...

Phố
thèm một vỉa hè có gánh hàng rong chờ nhau những ngày đầu tháng
ổ bánh mì nóng góc công viên sau giờ làm thêm ca buổi chiều đói lã
thèm ly trà đá những ngày cong lá giao mùa

Phố
em về chưa
cho những giờ hò hẹn
vầng trăng soi tóc giờ tan ca gió có trêu áo mỏng em về?
thèm ngón tay non vân vê nếp áo
chùm cỏ đuôi chồn anh ngắt tự hôm xưa...

Phố
nhuộm màu kí ức
quả cau xanh, vệt vôi bạc; mới vừa...

Đồng Vọng

(mượn Trịnh)

dẫu biết rằng đàn bà đẻ ra tôi
vòng gai quấn đốt ngón tay ngày khuyết
có những ước mơ cần cự tuyệt
nhiều niềm đau không cần rên siết

Trịnh ngủ trong tôi
Tôi ngủ trong nôi
Em;
ru võng

Tôi lắc lư theo nhịp tay em ru võng ru đời

hai mươi

hai mươi

hai mươi

chênh chao

bấp bênh

gập gềnh

cô độc

như ai đó nói với tôi" thời gian là chuyến xe không bao giờ chạy ngược"
rón chân qua cầu
bao nhiêu lần hai mươi để tôi còn kịp giấc
tuổi trẻ qua trên vai
tôi choàng mình tỉnh giấc
ngác ngơ một kiếp người...